Cuộc đối thoại giữa Bộ Công Thương và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam diễn ra ngày 4/5, tại Hà Nội. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình “Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo” sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.
Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức đối thoại chính sách để phát triển năng lượng xanh
Đối thoại chính sách sẽ là hoạt động diễn ra thường niên từ nay cho đến năm 2020 – là một phần trong cam kết của Chính phủ Việt Nam về minh bạch nền tài chính công; nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Điện với mục tiêu cung cấp điện ổn định, tin cậy; thu hút các nhà đầu tư mới vào ngành Điện, đặc biệt cho phát triển năng lượng tái tạo.
Chính phủ Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030 và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế từ các tổ chức hợp tác song phương và đa phương. Vì vậy, các đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ tập trung vào các lĩnh vực hiệu quả năng lượng và nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo.
Tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và ông Bruno Angelet – Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã trao đổi về những tiến bộ đạt được, phương hướng phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam và thảo luận về những hỗ trợ bổ sung của Liên minh châu Âu cho lĩnh vực năng lượng; đối thoại về cải cách quản lý tài chính công và ổn định kinh tế vĩ mô Việt Nam.
Đại sứ Bruno Angelet cho biết, EU đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam hướng tới việc xây dựng một thị trường điện hiện đại, giảm khí phát thải, giúp Việt Nam chuyển đổi từ năng lượng nâu sang năng lượng xanh để Việt Nam phát triển bền vững hơn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, mục tiêu của Việt Nam là hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, tạo nền tảng cho việc phát triển bền vững, hiện đại. Phát triển năng lượng xanh là xu hướng tất yếu. Việt Nam sẽ tiếp tục nhiệm vụ điều chỉnh và xây dựng tổng sơ đồ năng lượng mới đến 2020 (Quy hoạch điện VIII) nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc hợp tác giữa hai bên.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ thêm: Việt Nam luôn ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và hướng tới sử dụng năng lượng bền vững, năng lượng xanh… Trên thực tế, nhiều năm qua, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đã triển khai và mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, tuy nhiên, thời gian tới vẫn cần sự quyết liệt từ phía Chính phủ và nhận được sự hợp tác từ phía EU để tạo sự lan tỏa rộng hơn đối với nền kinh tế.
Trước đó, Liên minh châu Âu EU đã cam kết hỗ trợ cải cách ngành năng lượng Việt Nam trị giá 108 triệu Euro. Mục tiêu của Chương trình là tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo của Việt Nam và góp phần xây dựng một ngành năng lượng bền vững hơn qua việc khuyến khích hiệu quả năng lượng, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Sưu tầm